Phong cách Hồ Chí Minh - Một tài sản quý giá
Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua lối sống là phong cách của một con người với cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cách hành xử mực thước, thực sự là một tấm gương cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau noi theo, học tập.
|
Ngôi nhà sàn giản dị này là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Ảnh: VGP/Huy Anh |
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống, một chỉnh thể gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo logic, đi từ suy nghĩ đến lời nói.Trong lao động, lời nói của Người không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, hô hào, khẩu hiệu mà đều trở thành hành động cụ thể thông qua hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người hãy yêu lao động, chăm chỉ lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm, làm việc ngăn nắp, trật tự, có kế hoạch, đem lại hiệu quả cao nhất.Ở bất cứ đâu, dù là ở chiến khu Việt Bắc, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, hay khi về Hà Nội bận trăm công nghìn việc, Người vẫn luôn tích cực tham gia các buổi lao động tăng gia sản xuất và động viên, nhắc nhở mọi người xung quanh cùng làm. Người luôn làm việc trên tinh thần tự mình là chính, không trông chờ, ỷ lại vào người khác, làm việc một cách khoa học, luôn tận dụng tối đa thời gian, không để thời gian trôi qua một cách vô ích.Theo Hồ Chí Minh, mỗi người sống trong xã hội luôn phải đề cao việc học tập, say mê học tập. Người chỉ rõ, mọi người cần phải xác định học tập là công việc suốt đời, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phải học tập tinh thần “Học, Học nữa, Học mãi” của Lenin. Đồng thời phải học tập một cách toàn diện: Học chính trị, học văn hoá, học kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài việc học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo… Có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày, đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến.Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ở chiến khu cách mạng hay về tiếp quản Thủ đô, Người vẫn luôn tận dụng thời gian để học tập, nghiên cứu. Các đồng chí từng làm việc, giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định, Người rất ham đọc sách, báo trong nước và quốc tế. Việc đọc sách, báo là yêu cầu của công tác cách mạng, nó đã trở thành nhu cầu và là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của Người. PGS.TS Nguyễn Thị Kim DungCuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình. Ngược lại, qua hoạt động cách mạng, Người không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một người thầy mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời cho các thế hệ Việt Nam noi theo.Ngay khi mới về nước, sống ở vùng núi rừng vô cùng gian khổ, hay khi đã trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn giữ cho mình một lối sống giản dị trong việc ăn uống hằng ngày. Hồ Chí Minh quan niệm, đất nước ta đang nghèo, đời sống nhân dân ta còn khó khăn, thiếu thốn, nên cách ăn, uống, mặc, ở sao cho hợp lý, sạch sẽ, vừa tiết kiệm lại đảm bảo sức khỏe, hợp vệ sinh.Người yêu cầu mọi người làm việc phải đúng giờ giấc, không đi muộn, về sớm, vì theo Người, thời gian rất quý báu, không nên để lãng phí. Hồ Chí Minh còn khuyên mọi người làm việc phải theo cách vừa khẩn trương, nhanh chóng, vừa phải chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai; đã làm việc gì phải tận tâm, tận lực, làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh tình trạng lười biếng, cần tận dụng triệt để thời gian rảnh rỗi.Bên cạnh các hoạt động thường ngày như ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, Hồ Chí Minh còn chú trọng xây dựng lối sống mới cho mọi người trong các sinh hoạt khác, như tập thể dục, thể thao; giữ gìn phong tục tập quán; tham gia các hoạt động xã hội…Trong mối quan hệ giữa con người với con người, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lối sống mới cho nhân dân, lối sống đề cao tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại; đề cao tinh thần nhân đạo, nhân văn, coi trọng những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết, sống khiêm tốn, cầu thị, không tự cao tự đại, sống có lý có tình, biết ơn những người đi trước.Dù trong hoàn cảnh, địa vị nào, Bác Hồ cũng thể hiện sự tôn trọng, thương yêu con người. Hồ Chí Minh yêu thương đồng chí, đồng bào mình, không phân biệt một ai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim của Người. Tấm gương của vị Chủ tịch nước kính yêu đã khích lệ đồng bào cả nước. Một phong trào tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách với nhiều hình thức phong phú như “hũ gạo cứu đói”, “ngày đồng tâm nhịn ăn”… được tổ chức trên khắp phố xá, làng quê. Điều đó lại một lần nữa cho thấy giữa lời nói và hành động của Người luôn đi đôi với nhau.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, trong cuộc sống hiện nay, trong kinh tế thị trường có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, dẫn đến tình trạng suy thoái về lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Vì vậy, việc học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều cần thiết, để mỗi người chúng ta soi rọi, nhìn nhận về bản thân từ đó có cách điều chỉnh, ứng xử phù hợp nhằm xây dựng, rèn luyện đạo đức phong cách của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ hiện nay.
(theo Chinhphu.vn)
|